Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Công cụ mới thử nghiệm xác định nấm độc

 Một thử nghiệm đơn giản, di động có thể phát hiện ra chất độc ở nấm nguy hiểm nhất trong vài phút đã được các nhà khoa học của Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát triển.




Ăn nhầm nấm độc gây ra hơn 100 ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu và khiến hàng ngàn người phải yêu cầu hỗ trợ y tế khẩn cấp. Amanitin là nhóm độc tố nấm gây ra các vấn đề nghiêm trọng nhất.

Công cụ thử nghiệm mới có thể xác định sự hiện diện của ít nhất 10 phần tỷ amanitin trong khoảng 10 phút từ mẫu nấm bằng cỡ hạt gạo hoặc trong nước tiểu của người đã ăn nấm chứa amanitin độc. Thử nghiệm cũng hoạt động với nước tiểu chó, vì chó là loài ăn nấm bừa bãi.

Hiện tại không có xét nghiệm chẩn đoán lâm sàng về ngộ độc amatoxin. Phát hiện sớm amanitin trong nước tiểu của bệnh nhân sẽ giúp các bác sĩ cố gắng chẩn đoán tốt hơn và hy vọng rằng sẽ mang lại cho bệnh nhân cơ hội phục hồi tốt hơn, mặc dù hiện tại không có phương pháp điều trị cụ thể, hiệu quả rõ ràng.

Thử nghiệm cũng có thể là một cách thực tế và dứt khoát để những người hái nấm xác định và tránh ăn nấm có độc tố amanitin nếu có thể tìm thấy một đối tác thương mại để sản xuất và bán bộ dụng cụ thử nghiệm. Thử nghiệm này là phương pháp lĩnh vực nhạy cảm và đáng tin cậy nhất có sẵn để xác định tính chất hóa học của nấm có chứa amanitin. Mặc dù các chuyên gia về nấm có thể xác định nấm chết người chỉ bằng cách nhìn vào bề ngoài của chúng, nhưng không thể nhìn thấy các hóa chất độc hại ẩn giấu bên trong.

Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ xác định sự hiện diện hay vắng mặt của nhóm độc tố cụ thể này, không phát hiện các hợp chất khác như ảo giác hoặc độc tố gây ra các triệu chứng tiêu hóa hoặc thần kinh khác. Vì vậy, không thể xác định đối với một loại nấm có thể ăn được.

Thu hái nấm đã trở nên phổ biến trong vài thập kỷ qua. Một nhóm nhận dạng nấm duy nhất trên Facebook có hơn 166.000 thành viên. Nấm là thực phẩm phổ biến ở hầu hết Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một phần của Trung Đông và tiểu lục địa Ấn Độ, cũng như ở Canada và Hoa Kỳ. Phân biệt nấm độc và nấm không độc trước tiên dựa trên việc xác định chính xác loại nấm và sau đó tham khảo hướng dẫn về nấm để xác định xem có chứa độc tố hay không. Nhưng nấm cùng loài có thể khác nhau về ngoại hình, đặc biệt là ở các giai đoạn sống và môi trường sống khác nhau, khiến chúng rất khó xác định.

Nhiều loại nấm độc gần giống với nấm hoang dã ăn được. Ví dụ, Amanita Springtime (Amanita velosa) là một loại nấm hoang dã ăn được rất phổ biến ở ven biển Thái Bình Dương thuộc Hoa Kỳ. Nhưng với con mắt chưa được huấn luyện, loại nấm này có thể tương tự như nấm mũ A. phalloides. Death Cap – loại nấm gây ra hơn 90% các ca tử vong do ngộ độc liên quan đến nấm ở châu Âu.

(MH-Theo EurekAlert)


Hậu quả từ việc lạm dụng phân bón hóa học đối với cây trồng


Phân bón hóa học đang được sử dụng rất rộng rãi.Thậm chí nó còn là yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp đến năng suất trồng trọt. Tuy nhiên việc sử  dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp bị mất đi phần lớn lượng hữu cơ có vốn có của đất, cho nên đất sản xuất đã và đang ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Ngoài ra chúng còn để lại những tồn dư dưới các dạng muối trong đất gây nên những hậu quả có thể kể như sau:

Phân Hóa Học làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh: Phân Hoá học có thể làm cây trồng dễ mẫn cảm với các loại bệnh hơn qua việc giết chết các Vi Sinh Vật (VSV) trong đất mà các VSV này nhằm bảo vệ cho cây trồng khỏi bị một chứng bệnh nào đó. Nhiều loại bệnh của cây trồng được khống chế bởi các VSV phát triển quanh vùng rễ cây. Hiện tượng thiếu các VSV này và một số vi lượng cần thiết là khá phổ biến ở các vùng đất thường xuyên được bón phân hóa học và sự thiếu các vi lượng thiết yếu này lại là lý do để sử dụng thêm phân hóa học. Kết quả là hệ thống rễ cây bị bao vây bởi quá nhiều một loại nguyên tố nào đó mà không thể hấp thụ các nguyên tố cần thiết khác do đó làm cho cây bị yếu đi vì mất cân đối dinh dưỡng và rất dễ bị các loại bệnh tấn công.

 Phân Hóa Học ngăn cản sự hấp thụ các dưỡng chất cần thiết: Quanh vùng lông hút của rễ cây, keo đất từ mùn hữu cơ chuyển hầu hết các chất khoáng từ dung dịch đất sang hệ thống rễ cây và đi vào cây trồng. Những hạt mùn sẽ có hấp lực đối với các nguyên tố dinh dưỡng như đạm, lân, kali, và các nguyên tố kim loại khác. Phân hóa học được bón vào đất năm này qua năm khác sẽ gây nên sự thay đổi cơ bản cấu trúc của các hạt mùn hữu cơ và khi sử dụng liên tiếp, quá nhiều các phần tử phân hóa học đưa vào đất để mong đạt được sự phát triển mạnh và nhanh của cây trồng. Khi có quá nhiều phần tử  bám quanh các hạt mùn làm cho hệ thống lông hút của bộ rễ bị bội thực một loại nguyên tố và không còn khả năng hấp thu các chất khoáng khác mà cây thực sự cần nữa.

  Phân Hóa Học diệt các tập đoàn vi sinh vật : Đất cần phải được coi như một vật thể sống. Khi phân hóa học được sử dụng năm này qua năm khác, các Acid được tạo thành sẽ phá hủy các chất mùn hữu cơ phì nhiêu được tạo ra từ sự phân rã của các cơ thể sinh vật đất đã chết. Các chất mùn này có tính năng liên kết các hạt đá li ti với nhau tạo nên sự phì nhiêu của đất canh tác. Trên bề mặt của các vùng đất canh tác thường bón phân hóa học, các hạt đá không có keo mùn hữu cơ liên kết lại thường tạo thành một lớp rắn, ít hay nhiều không thấm nước, lớp rắn trên bề mặt này làm cho nước mưa hoặc nước tưới không thấm xuống đất được mà chảy ra các ao hồ hoặc sông suối. Như vậy lớp chất rắn bề mặt này đã ngăn cản không cho nước thấm xuống, đồng thời cũng không cho nước ở dưới ngấm lên trên để thoát hơi. Lớp đất phía dưới trở thành bị ngộp và có tính Acid. Trong lớp đất thiếu khí và có tính Acid này, mật độ VSV bị thay đổi và có thể bị chết.

Phân Hóa Học nguy hiểm và độc hại: Một số phân hóa học chứa hợp chất Nitrat. Khi được bón xuống đồng ruộng, nước mưa làm trôi các chất Nitrat này xuống ao hồ sông suối làm phát triển các loại rong tảo, khi rong tảo chết đi, quá trình phân hủy sẽ sử dụng rất nhiều Oxygen trong nước, hậu quả là nước bị thiếu dưỡng khí và làm các sinh vật không thể sống được. Ngoài ra dư lượng Nitrat trong rau hoặc các thực phẩm có thể gây ra việc chuyển hóa Hemoglobin trong máu thành Methemoglobin, sự chuyển hóa này xảy ra mạnh và nhiều hơn ở người trẻ, gây nên bệnh và chết người.

Chính vì thế việc thay đổi tập quán trong sản xuất nông nghiệp thay đổi loại phân bón vô cơ  đang sử dụng qua các loại phân bón hữu cơ đang là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay. 


Mẹo giâm cành hoa hồng tỷ lệ sống trên 90% !


Hoa hồng là một trong những cây hoa cảnh phổ biến ở nước ta. Hầu như bất kỳ người yêu hoa nào cũng muốn trồng tại nhà. Hiện nay có rất nhều giống hoa hồng khác nhau, mỗi loại đều quyến rũ theo cách riêng của nó. Mỗi loại hoa hồng có các đặc điểm đặc trưng của riêng nó. 

Nhiều người chơi hoa hồng bằng cách mua cây giống hoặc cây thành phẩm về chơi. Tuy nhiên với chi phí quá cao cũng như việc không chắc chắn về chất lượng của cây giống. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ cách khác rẻ tiền mà mang lại nhiều niềm vui hơn? Ở nhà, chúng ta có thể hoàn toàn trồng hoa hồng từ cành giâm lấy từ cây sẵn có trong vườn. Nhưng để hoa hồng bén rễ, cũng như sinh trưởng và phát triển bình thương, ta nên nắm được một số nguyên tắc sau.

Cành giâm 1 tháng lá vẫn xanh và có lá mới

Các quy tắc cơ bản chọn và xử lý cành giâm

Để có cây hoa hồng rẻ đẹp và thuần chủng thì phương pháp nhân giống bằng giâm cành hầu như là tối ưu nhất. Có chăng thì nó chỉ không tối ưu bằng phương pháp chiết cành nữa mà thôi.
Điều đầu tiên cần làm là tự chuẩn bị giâm cành. Đối với cành giâm, bạn nên chọn một chồi có ít nhất 5 lá, trong trường hợp này nó sẽ cho rễ tốt hơn nhiều so với những cành được cắt tỉa chỉ có 2 lá. Để giâm cành đạt tỷ lệ sống cao, bạn nên chọn cành bánh tẻ, không quá già (vỏ nâu, đen, hóa gỗ). Các lát cắt phải được thực hiện rất cẩn thận (cắt dứt khoát, dao cắt vô khuẩn), cắt xiên (1 góc 45 độ). Các lát cắt nên cắt ở sát mắt lá và cắt bỏ 1/3 lá để tránh mất nước.

Rễ trắng đã ra dài 1-2cm

Những người trồng hoa có kinh nghiệm khuyên không nên giâm cành hoa hồng ngoại, vì tỉ lệ sống khá thấp. Các bạn nên giâm cành những giống hoa hồng đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng của nước ta.

Toàn bộ quá trình giâm được chia thành 4 giai đoạn

Rễ trắng đã ra dài 1-2cm

+ Chuẩn bị giá thể để giâm: Theo kinh nghiệm giâm cành hoa hồng lâu năm, các bạn nên giâm cành hoa hồng vào 100% cát xây dựng (tuyệt đối không trộn phân)
+ Giâm cành hoa hồng vào chậu (cốc) cát: Cắm cành hoa hồng vào cát với góc nghiêng (khoảng 70 đến 85 độ) so với mặt đất. Kỹ thuật này chỉ cần cắm nông (1 đến 2 mắt lá chìm trong cát là được).
+ Tạo nhà kính mini bằng cánh lấy bao nilon trong suốt bọc toàn bộ chậu (để tránh mất nước), hoặc có thể cắt chai nhựa trong suốt đều được.
+ Quá trình giữ ẩm rất quan trọng. Bạn nên giữ cho cát ẩm trong suốt 20 đầu (không được tưới đẫm nước). Sau 30 đến 40 ngày cây sẽ ra rễ (dấu hiệu nhận biết là lá phát triển mạnh).

Nếu bạn làm đúng kỹ thuật ở trên, sau một thời gian cây sẽ có bộ rễ hoàn thiện. Và chỉ sau 2 tháng sau khi trồng bạn sẽ được tận hưởng trọn vẹn thành quả của mình. Để cây non phát triển tốt, bạn nên bấm chồi và loại bỏ lứa nụ đầu tiên để tránh cây không bị mất sức.

Cách chăm sóc
Trồng vào chậu ươm

Nên nhân giống hoa hồng bằng cách giâm cành vào mùa thu và mùa xuân

Lựa chọn và chuẩn bị hỗn hợp đất

Để trồng hoa hồng từ cành giâm tại nhà, bạn cần sử dụng đất tơi xốp, phì nhiêu. Vì vậy, để tăng trưởng và phát triển bình thường, một cây như vậy cần hỗn hợp đất bão hòa chất dinh dưỡng. Bạn có thể mua đất ở các cửa hàng cây cảnh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn, bạn có thể tự trộn hỗn hợp đất để trồng hoa hồng. Thành phần gồm đất thịt, cát, mùn và phân chuồng.
Cây phát triển mạnh sau 2,5 tháng

Quy tắc tưới nước cơ bản

Tất cả các loại hoa hồng đều ưa ẩm, bạn nên giữ ẩm thường xuyên cho cây. Không nên tưới cây vào buổi tối, nó dễ gây đọng nước và thối rễ.

Mầm gốc đỏ au chứng tỏ cây khoẻ

Mức độ chiếu sáng cần thiết
Hoa hồng là cây ưa sáng, bạn nên bố trí cây ở nơi có ánh sáng mặt trời từ 4 đến 6 giờ/ ngày.

Thành quả ngọt ngào!
Cả chồi lẫn nụ đều xinh

Mùa này mát mẻ rất thích hợp với việc giâm cành.Các bạn có thể giâm cành để bảo tồn giống những cây mình yêu thích. Hay tạo ra những cây hồng nho nhỏ xinh xinh để tặng cho các bạn bè thân thiết. Thông thường từ khi giâm đến khi cây ra rễ khoảng từ 25-40 ngày. Chúc các bạn giâm cành hoa hồng thành công!....
Nguồn: m-nongnghiep.vn

Bón vôi đúng cách cho đất và cây trồng

Trong quá trình canh tác và sản xuất nông nghiệp nhắc tới vôi làm chúng ta liên tưởng ngay tới tác dụng hạ phèn, diệt khuẩn của vôi nông nghiệp nói chung. Thật ra vôi còn nhiều tác dụng khác đối với cây trồng nhưng không phải ai cũng biết như sử dụng loại vôi nào, bón bao nhiêu, thời điểm bón, cách bón như thế nào là phù hợp với yêu cầu đất và cây trồng.



1. Tác dụng của việc bón vôi:
+ Vôi cung cấp chất dinh dưỡng Canxi (Ca) cho cây: Canxi là một chất dinh dưỡng trung lượng nên cây cần khá nhiều Canxi để làm vững chắc thành tế bào. Thiếu Canxi làm cây dễ đổ ngã, dễ bị sâu bệnh, trái hay bị nứt; khi thiếu trầm trọng Canxi làm đọt lá non biến dạng, quăn queo rồi chết khô. Ngoài ra Canxi còn giúp giải độc cho cây trồng, tăng khả năng chống chịu của cây. 
+ Chống chua đất : Đất chua là đất có dư lượng acíd, độ pH nhỏ hơn 7. Hầu hết đất canh tác nông nghiệp bón nhiều phân hóa học qua nhiều năm đất sẽ bị suy thoái và chua làm giảm năng suất của cây trồng. Khi độ pH xuống dưới mức hợp lý thì phải chống chua và thứ rẻ nhất để làm việc này là vôi.
+ Khử tác hại của mặn: Khi đất bị nhiễm mặn thì đất bị mất dần cấu trúc, rời rạc; cây thì không hút được nước và chất dinh dưỡng. Để hạn chế tác hại, những vùng đất mặn có phèn nên bón vôi để rửa mặn
+ Ức chế sự phát triển của nấm bệnh: Đất trở nên chua khi bị suy thoái là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh trong đất phát triển. Một trong những biện pháp ức chế sự phát triển của những loại nấm gây hại là bón vôi cải tạo đất.

2. Phân biệt các loại vôi

Cần phải hiểu rõ về tác dụng của từng dạng vôi trước khi sử dụng để đạt hiệu quả và tránh các tác hại không cần thiết 
+ Vôi tôi (Ca(OH)2), vôi nung (CaO)
- Đặc tính: Tạo phản ứng rất mạnh khi gặp nước; đây là chất diệt khuẩn mạnh: tiêu diệt cả vi sinh gây hại và cả vi sinh có lợi
- Tác dụng với đất: Tăng pH đất rất nhanh; khi pha nước tưới, sát khuẩn rất mạnh; sử dụng hổ trợ khống chế nhanh để dập dịch bệnh;
- Chú ý: Dễ gây cháy lá – da - rể cây; gây bỏng da tay; chỉ nên cho vôi này vào nước- không làm ngược lại; không được kết hợp với các chế phẩm vi sinh có lợi

Vôi tôi

+  Bột đá vôi (CaCO3)
- Đặc tính: Phản ứng nhẹ, diệt khuẩn yếu, cung cấp Ca
- Tác dụng với đất: Làm tăng pH đất nhanh.
- Chú ý: Dễ sử dụng không gây cháy lá - rễ cây, không được kết hợp với các chế phẩm vi sinh có lợi

Bột đá vôi CaCO3

+ Vôi Dolomite  (CaMg(CO3)2)
- Đặc tính: Phản ứng nhẹ, diệt khuẩn yếu; cung cấp cả Ca, Mg cho cây
- Tác dụng với đất: Làm tăng pH đất chậm.
- Chú ý: Dễ sử dụng không gây cháy lá-rễ cây; không được kết hợp với các chế phẩm vi sinh có lợi
3. Dùng vôi sao cho đúng nhất?
Bón vôi cho đất là việc cần thiết khi canh tác và thâm canh cây trồng, tuy nhiên không phải bón vôi càng nhiều càng tốt, sử dụng vôi còn phải cân nhắc đến các tác hại của nó, muốn bón vôi có hiệu quả cần tuân thủ theo một số nguyên tắc sau:
  • Bón đúng loại vôi: Có 3 nhóm vôi chính dùng để bón cải tạo đất: bột đá vôi (CaCO3), vôi nung (CaO) và vôi tôi (Ca(OH)2), Vôi Dolomite  (CaMg(CO3)2) tùy theo tình trạng suy thoái cụ thể của từng loại đất và tác dụng của từng loại vôi mà sử dụng cho phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
+ Đất bị phèn mặn và pH thấp < 4 hoặc cây trồng bị các vấn đề bệnh ở rễ cây nên xử lý vôi (CaCO3), vôi nung (CaO) và vôi tôi (Ca(OH)2).
+ Đất có pH >5- 6  sử dụng Vôi Dolomite  (CaMg(CO3)2)
  •  Lượng vôi cần bón cho từng loại đất: Lượng vôi cần sử dụng căn cứ vào 3 yếu tố sau đây:
+ Tùy thuộc vào độ chua của đất (độ pH). Đất bị chua nhiều cần bón nhiều vôi, đất ít chua bón ít vôi hơn.
+ Đất sét bón nhiều vôi nhưng nhiều năm mới bón lại trong khi với đất cát thì không nên bón một lần với lượng quá nhiều vì nó có thể làm ức chế sự hấp thụ một số dưỡng chất khác.
+ Tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ trong đất: đất nhiều hữu cơ bón nhiều vôi, nhiều năm bón lại; ngược lại nếu đất ít hữu cơ nên bón lượng ít hơn nhưng nên bón vôi thường xuyên hơn.
 - Với đất sét, nhiều chất hữu cơ: 
+ pH từ 3,5-4,5 cần bón 2 tấn vôi/ha;
+ pH từ 4,6-5,5 bón 1 tấn vôi/ha;
+ pH từ 5,6-6,5 bón 0,5 tấn vôi/ha,
+ pH > 6,5 không cần bón vôi.
- Với đát cát, ít chất hữu cơ:
+ pH từ 3,5 đến 4,5 bón < 1 tấn vôi/ha;
+ pH từ 4,6-5,5, bón < 0,5 tấn vôi/ha;
+ pH từ 5,6-6,5, bón < 250 kg vôi/ha;
+ pH >6,5 không cần bón vôi.
  •  Thời điểm bón vôi:
- Với vườn cây chưa cho thu hoạch có thể bón bất cứ vào thời điểm nào trong năm.
- Với các vườn đang cho trái, chỉ nên bón sau khi đã thu hoạch xong kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác như cắt cành, tạo hình, bón phân, bồi đắp bổ sung mặt liếp, phòng trừ sâu bệnh.
  •  Cách bón vôi: rải đều lượng vôi trên mặt liếp rồi dùng cào răng xới sâu 5-10cm để trộn đều vôi với đất rồi tưới nước từ từ, tưới nhiều lần cho vôi hòa tan trong đất mới có tác dụng tốt.
  •  
  •  
4. Lưu ý những tác hại khi sử dụng vôi có thể xảy ra:
  • Tiêu diệt hệ vi sinh vật có hại lẫn có lợi: Trong đất có rất nhiều vi sinh vật có lợi cho đất, khi bón vôi sẽ tiêu diệt các vi sinh vật nầy.
Làm mất chất dinh dưỡng: Vôi khi gặp các loại phân bón chứa đạm sẽ làm mất đạm khiến cây không hấp thu được. Hầu hết các loại phân vô cơ như Urê, SA, NPK, DAP, Lân…đều kỵ vôi .
- Sử dụng vôi có hiệu quả cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc trên. sử dụng vôi tùy theo mục đích như loại vôi nào để xử lý nấm bệnh, loại nào để nâng pH cải tạo đất, loại nào để cung cấp Ca,Mg cho cây trồng. Khi bón vôi không nên trộn chung với bất kỳ lọai phân gì, bón trước hoặc sau đợt bón phân ít nhất 15 ngày.
- Tóm lại: Bón vôi cho đất là việc cần thiết khi canh tác và thâm canh cây trồng, tuy nhiên không phải bón vôi càng nhiều càng tốt, việc sử dụng vôi vừa có lợi vừa có những tác hại vì vậy bón vôi như thế nào là phù hợp với yêu cầu đất và cây trồng thì cần phải hiểu rõ về tác dụng của từng dạng vôi trước khi sử dụng để đạt hiệu quả và tránh các tác hại không cần thiết.

Nguồn: 
snnptnt.bentre.gov

Quản lý nhóm côn trùng gây hại trên sầu riêng

Sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao nên những năm vừa qua diện tích trồng sầu riêng ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, đây lại là lọai cây “khó tính” không phải vùng đất nào cũng có thể trồng được, chúng chỉ phát triển tốt trên vùng nước ngọt quanh năm.

​Ngoài ra, sầu riêng bị nhiều sâu bệnh tấn công, trong đó nhóm côn trùng gây hại là một thách thức không nhỏ cho nông dân, đáng quan tâm nhất là rầy phấn, sâu đục trái và xén tóc đục cành làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất thậm chí gây chết cây nếu không phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Hơn nữa, ngày nay nhu cầu tiêu thụ trái cây đòi hỏi phải sạch, bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng, vì thế người trồng phải nắm vững kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và nhất là việc quản lý dịch hại theo hướng an toàn, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất.

1. RẦY PHẤN


Phổ biến nhất trên sầu riêng, có rầy phấn gây hại trên lá non - 1 trong những loài côn trùng gây hại nghiêm trọng trên sầu riêng, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.



+ Rầy phấn (còn gọi là rầy nhảy), trưởng thành có màu xanh vàng, dài khoảng 3-4mm, cặp cánh trong suốt.

+ Rầy non mới nở màu vàng nhạt, di chuyển chậm.

+ Ấu trùng tuổi 2 bắt đầu phủ ít lông tơ màu trắng, từ tuổi 3 trở đi cơ thể rầy phủ một lớp tơ trắng và tủa ra những sợi sáp trắng rất dài ở cuối đuôi, thoạt nhìn như bông gòn.

+ Nông dân rất dễ phát hiện rầy phấn, giai đoạn sầu riêng ra đọt non thấy nhiều con vật nhỏ màu trắng, trên mình có những sợi dài tủa ra, lá bị đóng đen như khói đèn do nấm bồ hóng phát triển. Rầy phấn thường tập trung ở mặt dưới của lá sầu riêng, chúng gây hại trên lá non còn xếp lại. Rầy trưởng thành và rầy non đều chích hút nhựa lá. Lá bị hại thường có những chấm nhỏ màu vàng. Bị nặng, lá khô vàng, biến dạng và rụng hàng loạt, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, ra hoa và đậu trái. Ngoài ra, rầy còn tiết chất ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển.

*** Biện pháp phòng trừ:

- Sử dụng bẫy màu vàng để thu hút rầy trưởng thành

- Dùng vòi nước phun mạnh lên các chồi non để rửa trôi rầy

- Rầy phấn có nhiều thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh họ Entycydae, Green lacwing,…do đó cần tạo điều kiện cho thiên địch phát triển

- Khi mật số rầy cao phun một trong các loại thuốc sau: Actara, Applaud, Trebon,….

Chú ý: phun dưới bề mặt lá nơi rầy thường tập trung và nên luân phiên sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để hạn chế sự bộc phát tính kháng.


2. SÂU ĐỤC TRÁI:

Giai đoạn sầu riêng hình thành trái, quan trọng nhất là sâu đục trái gây hại giai đoạn trái non và cả những trái lớn.

- Sâu đục trái có nhiều loài nhưng phổ biến nhất là loài Conogethes punctiferalis thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera.

- Bướm sâu đục trái tương đối nhỏ, thân dài khoảng 12mm, có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Trứng được đẻ rãi rác trên các trái non. Sâu non có đầu nâu, thân mình màu trắng ửng hồng. Sau khi vủ hoá, con cái thường tiết ra Pheromone để hấp dẫn con đực. Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá. Bướm thường bám trên chùm hoa để hút mật và đẻ trứng trên trái non. Mỗi bướm cái có thể đẻ từ 20-30 trứng. Sâu non khi nở bò rất nhanh, thường chọn nơi gần cuống trái để đục vào bên trong trái

Đầu tiên sâu tấn công vỏ trái sầu riêng, khi tuổi lớn, sâu tiếp tục đục vào phía trong trái nhưng ít khi gây hại trên múi và hột sầu riêng. Sâu thường hóa nhộng ngay trên đường đục, gần bề mặt của vỏ trái hoặc sâu chui ra ngoài, nhã tơ, kết lá và phân thành kén rồi hóa nhộng trong kén ngay giữa các gai của trái. Sâu có thể phá hại từ khi trái còn non đến khi già sắp chín nhưng nặng nhất khi trái bắt đầu có cơm. Sâu gây hại vào lúc trái nhỏ sẽ làm trái sẽ bị biến dạng và bị rụng sau đó, nếu tấn công vào giai đoạn trái đã phát triển thì sẽ làm mất phẩm chất của trái. Bên cạnh đó, khi bị sâu gây hại, trái thường bị các loại nấm bệnh tấn công làm thối trái. Triệu chứng để nhận diện là từng đám phân mầu nâu đậm do sâu thải ra bên ngoài lỗ đục.








Phòng trừ sâu đục trái sầu riêng nên áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp ngay từ đầu vụ:


- Trong tự nhiên, sâu đục trái sầu riêng có nhiều loài thiên địch như kiến sư tử và chim sâu tấn công sâu non khi ở bên ngoài vỏ trái, bọ ngựa và nhiều loài nhện có khả năng bắt và ăn thịt bướm sâu đục trái.

- Thăm vườn thường xuyên vào giai đoạn ra hoa, kết trái để phát hiện sớm sâu đục trái, thu gom và tiêu huỷ những trái bị sâu gây hại;

- Hàng năm sau thu họach nên tỉa cành để tạo thông thoáng vườn cây;

- Trong chùm trái chưa bị nhiễm nên sử dụng miếng giấy cứng để chêm giữa các trái để hạn chế sự gây hại;

- Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc hóa học ở những vùng thường xuyên bị nhiễm nặng, phun ngừa giai đoạn tượng trái. Nên ưu tiên sử dụng nhóm thuốc trừ sâu vi sinh (ViBT, Dipel,..), thuốc trừ sâu có nguồn gốc thực vật  (Vineem,…) hoặc nhóm thuốc gốc Abamectin (Brightin, Abatin,…). Phát hiện sớm khi sâu chưa đục sâu vào trong trái phun thuốc sẽ đạt hiệu quả cao. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc để tránh dư lượng thuốc tồn dư trong trái ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

3. XÉN TÓC ĐỤC CÀNH


Xén tóc đục cành (còn gọi là bù xòe) có tên khoa học là Batocera rufomaculata  thuộc họ Xén tóc (Cerambycidae ), bộ Cánh cứng (Coleoptera).


Đây là 1 loài sâu khá nguy hiểm gây hại trên thân, cành, chúng có thể làm chết cây. 

- Trưởng thành cái dài khoảng 50mm, trưởng thành đực nhỏ hơn. Trưởng thành có màu nâu hơi đậm, có nhiều chấm đỏ trên cánh, đặc trưng là giữa nơi tiếp giáp 2 cánh cứng gần cổ, có chấm màu trắng rất rõ, râu cứng và dài hơn cơ thể. Ấu trùng màu vàng nhạt, dài khoảng 60-80mm, đầu rất nhỏ so với mình.

- Trưởng thành  cái đẻ trứng vào các vết nứt của cây hoặc ngay cháng cây. Khi nở ra, ấu trùng chui qua vỏ vào trong đục thành đường hầm trong thân cây và cành cây, ăn phá ở đó. Giai đoạn ấu trùng kéo dài (khoảng 280 ngày) nên sức phá hại của chúng rất lớn. Ấu trùng đủ lớn chui ra làm nhộng ngay ở dưới vỏ cây. Nhộng được bao bọc bởi một kén trắng to, có cấu tạo bằng calcium rất cứng. Triệu chứng nhận biết khi thấy phân đổ xuống dưới gốc cây hoặc gần vỏ cây nơi đục, dùng dao tách lớp vỏ cây bên ngoài sẽ thấy rõ đường đục khá to. Loài xén tóc này đục trên thân chính hoặc nhánh lớn thường làm chết nhánh hoặc cây sinh trưởng kém. Nếu bị nhiễm nặng có thể chết cả cây.





Biện pháp phòng trừ:

Vệ sinh vườn tạo thông thoáng, tiêu hủy các cành bị nhiễm xén tóc để loại bỏ trứng, ấu trùng và nhộng của xén tóc.Thăm vườn thường xuyên khi thấy cây có triệu chứng bị xén tóc gây hại phải có biện pháp xử lý kịp thời. Áp dụng biện pháp thủ công có hiệu quả cao, dùng dao nhỏ mũi nhọn khoét ngay lổ đục sẽ thấy sâu nằm bên trong, bắt ấu trùng và nhộng tiêu diệt hoặc dùng các nhóm thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi thấm bông gòn, nhét vào lổ đục và lấy đất sét trám bít lại, sau đó quét thuốc gốc Đồng để phòng các loại bệnh tấn công qua lổ đục. Nếu cây tơ, thấp có thể đào chung quanh gốc rãi thuốc trừ sâu lưu dẫn, sau đó lấp đất và tưới nước cho thuốc hòa tan.

Nguồn: 
snnptnt.bentre.gov.vn


Sau hạn - mặn phải chăm sóc, phục hồi cây có múi ra sao ??

Về mặt lý thuyết, các loại cây có múi có thể chịu độ mặn đến 4‰. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào từng giống, ví dụ khả năng chịu mặn của bưởi Da Xanh tốt hơn bưởi Năm Roi, cam Mật tốt hơn quýt Đường… Ngoài ra, mức độ đề kháng mặn của cây còn lệ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng, phát triển; thời gian nhiễm mặn, tính chất đất trồng, chế độ bón phân, tưới nước trước và trong giai đoạn hạn mặn…
Cây có múi nói chung, bưởi nói riêng có nhu cầu nhiệt độ thích hợp nhất là từ 23-290C. Nhiệt độ từ 25-300C tốt nhất cho sinh trưởng của các đợt tược và quá trình thụ phấn. Nhìn chung, nhiệt độ là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động sống của cây cũng như năng suất, chất lượng quả, thời gian phát sinh tược khác nhau ở mỗi vùng sinh thái.
Cây có múi ưa ánh sáng tán xạ có cường độ 10.000-15.000 lux, tương ứng với ánh sáng lúc 8-9 giờ và 16-17 giờ trong những ngày quang mây. Vì vậy việc thiếu bóng che giai đoạn cây còn nhỏ hoặc mới trồng ít nhiều sẽ tác động không tốt đến sinh lý, đặc biệt trong điều kiện bị ảnh hưởng của hạn mặn.
Ẩm độ không khí cũng ảnh hưởng tới thụ phấn, ẩm độ thích hợp cho thụ phấn từ 80 - 85%. Ngoài ra, ẩm độ không khí có liên quan tới số ngày mưa, đặc biệt là mưa phùn làm hạn chế sự hoạt động của côn trùng cũng như sự tung phấn của hoa. Cây ưa ẩm, ít chịu hạn, cần nhiều nước nhất là thời kỳ cây con và thời kỳ trái phát triển. Tuy cây có múi ưa ẩm nhưng không chịu được úng, do đó nếu ngập nước đất bị thiếu ôxy rễ sẽ hoạt động kém, ngập lâu sẽ bị thối chết làm rụng lá và trái non.
 Cây có múi thích hợp độ ẩm không khí khoảng 75% và độ ẩm đất 60%, độ ẩm này giúp cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, phẩm chất quả tốt, mẫu mã quả đẹp. Ẩm độ không khí quá cao và kèm theo nắng nóng thường gây hiện tượng rám nắng và nứt trái. Cây có múi cần nhiều nước ở thời kỳ tạo tược, ra hoa và  phát triển trái.
Như vậy, ngoài kỹ thuật canh tác, các yếu tố thời tiết, chất lượng nguồn nước cũng liên quan rất lớn đến việc sản xuất cây bưởi Da Xanh nói riêng và cây có múi nói chung. Cụ thể một số tác động tiêu cực của hạn-mặn  đối với cây có múi như sau:
- Nước nhiễm mặn:
Độ mặn cũng làm cháy lá, bộ rễ bị tổn thương, ngừng hoạt động hoặc chết, Na+ cao trong dung dịch đất sẽ làm cho rễ cây không hút được nước, dẫn tới không hút được các chất dinh dưỡng thiết yếu. Do đó, khi bị ngộ độc mặn cây sẽ thiếu nước lẫn dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm và kali. Vì vậy, cây sẽ bị suy kiệt, giảm năng suất, ngừng sinh trưởng, phát triển và có thể chết.
- Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao khiến cây cây có nhu cầu sử dụng nước nhiều, trong điều kiện nước có nhiễm mặn làm gia tăng nguy cơ hút chất mặn vào cây. Khô hạn làm hệ vi sinh vật có ích ở vùng rễ kém phát triển, nên hiệu quả trao đổi, hấp thu dinh dưỡng kém. Sự suy thoái vùng rễ kéo dài ảnh hưởng trực tiếp sự phục hồi cây sau này, dẫn đến các trường hợp cây ra tược non sau đó bị héo, rụng bông, trái non, cây còi cọc.
- Đất trồng bị hạn - mặn trong thời gian dài cũng đưa đến các tác động tiêu cực, nhiều trường hợp đất khô nứt nẻ làm gia tăng mức độ oxit hoá dẫn đến gia tăng hoạt tính độc chất phèn tiềm tàng trong đất, khi có một vài trận mưa đầu mùa gây nên hiện tượng "xì phèn" gây độc cho cây trồng. Nhiễm mặn trong điều kiện khô hạn kéo dài cũng làm tăng nguy cơ chất mặn thấm sâu vào đất, ngoài nguy cơ gây độc rễ cây, còn làm giảm khả năng trao đổi chất dẫn đến cây hấp thụ dinh dưỡng kém.
- Sau giai đoạn hạn - mặn sâu bệnh cũng nguy cơ gia tăng, các bệnh lý do nấm Phytophthora gây ra như  thối gốc, chảy nhựa, chết ngọn, thối trái…rất dễ xảy ra, ngoài ra một số côn trùng như nhện, rệp sáp, sâu đục trái …cũng dễ bùng phát do có điều kiện thuận lợi phát sinh, phát triển.   
Như vậy, ngay sau thời điểm bị ảnh hưởng hạn - mặn, khi bắt đầu có mưa đầu mùa, cũng chính là thời điểm cây có múi phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây tổn hại.
Vì vậy, sự chăm sóc trong giai đoạn này cần chú ý các công việc sau:
+ Nhanh chóng khai thông kênh mương, tháo rữa phèn mặn tích tụ trong đất. Xới nhẹ mô đất trồng, nếu có điều kiện xới cả mặt líp đất trồng nhằm vừa tạo sự thông thoáng cho rễ, vừa góp phần thúc đẩy nhanh việc rữa phèn mặn đầu vụ. Nếu mưa đầu ít, nên dùng nước ngọt tưới phun rửa phèn, mặn cho vườn với tia nước nhỏ để làm tăng độ thấm sâu của nước vào đất, cần tưới liên tục khoảng 5-7 ngày, với lượng nước đủ lớn để rửa được phèn, mặn ra khỏi đất.
Bón vôi ở thời điểm đã rửa vườn 3-4 ngày, lượng vôi khoảng 300-500kg/ha.
Sau khi đã rửa phèn, mặn kết hợp bón vôi xong, thì tiến hành bón phân DAP  với lượng từ 50-100 gr/cây (đối với cây 1-2 năm tuổi), lượng 150-200 gr/cây đối với vườn cây đã trên 3 năm tuổi, kết hợp với các loại phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh. Đây là lượng phân bón nhẹ đầu tiên giúp cây nhanh chóng phục hồi, đặc biệt là phục hồi hoạt động của hệ thống rễ sau thời gian dài bị ảnh hưởng hạn mặn. Khi lá cơi tược đầu tiên đã trưởng thành, có thể áp dụng chế độ bón phân thông thường.
 Cần chú ý việc chỉnh sửa, nâng cấp mô trồng kết hợp với việc bón phân đầu vụ, Việc tạo mô trồng tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt có ý nghĩa đặt biệt quan trọng đối với việc trồng bưởi nói riêng và cây có múi nói chung.
Chú ý các dịch hại phát triển khi cây bị yếu sức tấn công lên tược non, bông trái non như sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, rầy mềm, bọ trĩ, sâu ăn lá, dòi đục ngọn thì sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Abamectin, Emamectin, Imidalopid, Acetamiprid ở giai đoạn cây vừa nhú tược dài 0,2-1cm. Cần treo mồi cho kiến vàng trên ngọn các cây cao vào ngày hôm trước để dẫn dụ kiến tập trung trên cao, khi phun thuốc sẽ ít ảnh hưởng đến đàn kiến trong vườn.
 Kiểm tra bệnh xì mủ thối thân cành, nếu phát hiện cây mới bị bệnh với vết bệnh còn nhỏ, ít thì dùng dao bén có mũi nhọn cạo sạch vết bệnh rồi dùng một trong các  thuốc trừ bệnh như:Aliette, Mataxyl, Ridomil… đậm đặc quét lên các vết bệnh vừa xử lý 2 lần cách nhau 5-7 ngày; nếu cây bị bệnh nặng với nhiều vết bệnh, kết hợp với triệu chứng vàng lá thối rễ thì ngoài việc xử lý như trên, cần phải pha thuốc để phun toàn bộ tán cây và tưới gốc theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
Đối với sâu đục trái bưởi nên áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp mới đạt hiệu quả cao. Bên cạnh việc bao trái, các biện pháp an toàn hơn cho môi trường sản xuất như sử dụng nấm trắng Beauveria bassiana, ong ký sinh Trichogramma, dầu khoáng… cần được khuyến khích sử dụng, nhằm hạn chế sử dụng thuốc hóa học khi chưa thật sự cần thiết./.
Nguồn: 
Trung tâm Khuyến nông Bến Tre

BÍ MẬT GIỮA VI SINH ĐẤT VÀ ĐẤT CÓ QUAN HỆ GÌ VỚI NHAU ???

Vi sinh vật có mặt nhiều nhất trong đất so với các môi trường khác. Đây là môi trường có điều kiện thuận lợi để chúng sinh sản và phát triển. Tuy nhiên, vi sinh vật cũng đóng vai trò rất quan trọng trong kết cấu đất.
Vi sinh vật đất: rải rác ở nhiều điều kiện đất khác nhau như đầm lầy, cống rãnh, đồng nước trũng,… hay đất cát khô cằn. Trong khi đó, Đất có kết cấu từ những hạt nhỏ liên kết với nhau thành cấu trúc đoàn lạp của đất. Vậy yếu tố nào đã liên kết các hạt đất với nhau?

Vai trò của hệ vi sinh vật đất trong nông nghiệp hữu cơ

- Với số lượng, sự đa dạng và mật độ phân bố của vi sinh vật rộng rãi trong đất nên nó có những vai trò hết sức quan trọng:

- Cải thiện cấu trúc đất: khi bón vào đất những chất như Cellulose và Protein thì kết cấu của đất được cải thiện. Đó là do vi sinh vật phân giải xenluloza và protein đã phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm phân giải của chúng và các chất tiết trong quá trình sống của chúng đã liên kết các hạt đất với nhau tạo nên cấu trúc đất.

- Chuyển hóa dinh dưỡng trong phân bón cung cấp cho cây trồng: Khi ta bón các loại phân hữu cơ và vô cơ vào đất, phân tác dụng nhanh hay chậm đến cây trồng là nhờ hoạt động của vi sinh vật. Vi sinh vật phân giải hữu cơ thành dạng vô cơ cho cây trồng hấp thụ, biến dạng vô cơ khó tiêu thành dễ tiêu.

- Vi sinh vật sống trong vùng rễ có quan hệ mật thiết với cây, chúng sử dụng những chất tiết của cây làm chất dinh dưỡng, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cho cây qua quá trình hoạt động phân giải của mình. Vi sinh vật còn tiết ra các vitamin và chất sinh trưởng có lợi đối với cây trồng.

- Phân giải các chất hữu cơ trong đất: cellulose, lignin… để tạo nên các chất khoáng, mùn bổ sung cho đất.

- Hoạt động của vi sinh vật, nhất là nhóm háo khí đã hình thành nên một thành phần của mùn là axit humic. Axit humic cùng với các axit mùn khác có tác dụng kích thích sự phát triển của hệ rễ để hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, cây sinh trưởng phát triển mạnh hơn. Nếu được hấp thu trực tiếp qua lá chúng sẽ giúp tăng cường sự quang hợp của cây do kích thích sự hoạt động của các men tham gia trong quá trình quang hợp. Cường độ quang hợp mạnh cây sẽ sinh trưởng nhanh. Ngoài ra axit humic còn làm tăng sức đề kháng của cây với sâu bệnh và các điều kiện bất lợi như nóng, rét, hạn, úng, chua phèn.

- Chuyển hóa các chất khó tan thành chất dễ tan giúp cây trồng hấp thụ dễ dàng: lân.

- Giải phóng các chất khoáng bị giữ chặt trong đất thành dạng cây hấp thụ dễ dàng: lưu huỳnh, sắt, Kali…

- Cố định Nitơ trong không khí, chuyển hóa đạm thành dạng NH4+ và N03–  là dạng cây dễ hấp thu.



Theo nghiên cứu:
- Genxe: khi bón vào đất những chất như Xenluloza và Protein thì kết cấu của đất được cải thiện. Đó là do vi sinh vật phân giải xenluloza và protein đã phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm phân giải của chúng và các chất tiết trong quá trình sống của chúng đã liên kết các hạt đất với nhau tạo nên cấu trúc đất.
- Rudacop: Nhân tố kết dính các hạt đất trong đất trồng cây họ đậu chính là một sản phẩm kết hợp giữa axit galactorunic và sản phẩm tự dung giải của vi khuẩn Clostridium polymyxa. Axit galactorenic là sản phẩm của thực vật được hình thành dưới tác dụng của enzym protopectinaza do vi khuẩn tiết ra. Các chất kết dính tạo thành kết cấu đất còn được gọi là mùn hoạt tính.
Mùn là nơi tích luỹ chất hữu cơ làm nên độ phì nhiêu của đất và là nhân tố tạo nên kết cấu đất. Sự hình thành và phân giải mùn đều do vi sinh vật đóng vai trò tích cực.
Vì vậy các điều kiện ngoại cảnh ảnh như canh tác cày bừa, xới đất, bón phân… đều ảnh hưởng trực tiếp đến vi sinh vật và qua đó ảnh hưởng đến hàm lượng mùn trong đất.
 Tác động của sự cày xới, đảo trộn đất đến vi sinh vật đất:
-   Cày xới, đảo trộn có tác dụng điều hoà chất dinh dưỡng, làm đất thoáng khí tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển mạnh.
-   Khi xới lớp đất canh tác nhưng không lật mặt, số lượng vi sinh vật cũng như cường độ hoạt động có tăng lên nhưng không nhiều bằng xới đất có lật mặt hoặc cày sâu.
-   Tuy nhiên quy luật trên chỉ áp dụng đối với đất úng ngập, còn ở đất cát nhẹ khô hạn thì việc xới xáo không hợp lý lại làm giảm lượng vi sinh vật.



 
Tác động của phân bón đến vi sinh vật đất :
-   Khi ta bón các loại phân hữu cơ và vô cơ vào đất, phân tác dụng nhanh hay chậm đến cây trồng là nhờ hoạt động của vi sinh vật.
-   Vi sinh vật phân giải hữu cơ thành dạng vô cơ cho cây trồng hấp thụ, biến dạng vô cơ khó tan thành dễ tan ... Ngược lại các loại phân bón cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật trong đất.
-   Phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh, bùn ao ... đặc biệt làm tăng số lượng vi sinh vật vì bản thân trong đó đã có một số lượng lớn vi sinh vật. Chất hữu cơ vào đất lại làm tăng số lượng vi sinh vật sẵn có trong đất, đặc biệt là vi sinh vật phân giải xenluloza, phân giải protein và nguyên sinh động vật.
-   Tuy vậy, các loại phân hữu cơ khác nhau tác động đến sự phát triển của vi sinh vật đất ở các mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào tỷ lệ C/N của phân bón.
-   Phân vô cơ cũng có tác dụng thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật đất vì nó có các nguyên tố N, P, K, Ca, vi lượng rất cần thiết cho vi sinh vật. Đặc biệt là khi bón phối hợp các loại phân vô cơ với phân hữu cơ sẽ làm tăng số lượng vi sinh vật lên từ 3 - 4 lần so với bón phân khoáng đơn thuần, đặc biệt là các vi khuẩn Azotobacter, vi khuẩn amôn hoá, nitrat hoá, phân giải xenluloza.
-   Khi trong đất có nhiều phân hữu cơ thì việc bón các loại phân vô cơ có tác dụng kích thích hoạt động phân giải chất hữu cơ của vi sinh vật. Bón vôi có tác dụng cải thiện tính chất lý hoá của đất, làm tăng cường hoạt động của vi sinh vật, nhất là đối với đất chua, mặn, bạc màu


 
Tác động của chế độ nước đối với vi sinh vật:
-         Đại đa số các loại vi khuẩn có ích đều phát triển mạnh mẽ ở độ ẩm 60 - 80%. Độ ẩm quá thấp hoặc quá cao đều ức chế vi sinh vật.
-         Chỉ có nấm mốc và xạ khuẩn là có thể phát triển được ở điều kiện khô.
-         Ở các ruộng lúa nước các loại vi khuẩn đã thích hợp với độ ẩm cao, tuy nhiên ở những ruộng có tính thấm nước cao được làm ải, sự phát triển vi sinh vật cũng tốt hơn. Đặc biệt là cân đối được tỷ lệ giữa hai loại háo khí và yếm khí.
Tác động đến chế độ canh tác khác tới vi sinh vật

Các loại thuốc hoá học trừ sâu, trừ bệnh, diệt cỏ gây tác động lớn tới vi sinh vật. Cũng như hệ sinh thái đất nói chung. Việc dùng các loại thuốc hoá học làm ô nhiễm môi trường đất. Tiêu diệt phần lớn các loại vi sinh vật và động vật nguyên sinh trong đất.
Sử dụng phân vô cơ trong thời gian dài ít bổ sung hữu cơ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất. Phân vô cơ làm gia tăng độ pH khiến hệ vi sinh vật bị mất cân bằng. Vi sinh vật gây hại sẽ chiếm đa số gây tổn thất đến cây trồng.

-  
Ngoài các chế độ phân bón, nước, làm đất, các chế độ canh tác khác cũng có tác dụng rõ rệt tới hoạt động của vi sinh vật.
- Ví dụ như chế độ luân canh cây trồng. Mỗi loại cây trồng đều có một khu hệ vi sinh vật đặc trưng sống trong vùng rễ của nó. Bởi vậy luân canh cây trồng làm cho khu hệ vi sinh vật đất cân đối và phong phú hơn. Người ta thường luân canh các loại cây trồng khác với cây họ đậu để tăng cường hàm lượng đạm cho đất.
- Các loại thuốc hoá học trừ sâu, diệt cỏ gây tác động có hại tới vi sinh vật cũng như hệ sinh thái đất nói chung. Việc dùng các loại thuốc hoá học làm ô nhiễm môi trường đất, tiêu diệt phần lớn các loại vi sinh vật và động vật nguyên sinh trong đất. Tất cả những biện pháp canh tác nói trên có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến sự phát triển của vi sinh vật trong đất, từ đó ảnh hưởng đến quá trình hoạt động sinh học, cụ thể là sự chuyển hoá các chất hữu cơ và vô cơ trong đất, ảnh hưởng đến quá trình hình thành mùn và kết cấu đất.
Những yếu tố này lại ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng. Bởi vậy, việc nghiên cứu đất sao cho thích hợp với năng suất cây trồng không thể bỏ qua yếu tố sinh học đất.

Nguồn: Tham khảo